Đĩa đệm là phần cấu trúc không xương nằm trong khoang gian đốt sống. Đĩa đệm gồm có 3 phần: Nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn ( là các bản trong suốt trên và dưới).
I.Áp lực nội đĩa đệm.
Ở tư thế nằm ngửa thoải mái,chỉ riêng lực kéo Nachemson của các cơ và các dây chằng đã tác động lên những đĩa đệm thắt lưng dưới một áp lực bằng 15kg lực…
Ở tư thế thẳng đứng áp lực tăng đến 100kg lực. Khi cúi xuống trước tăng 140kg lực,còn vừa cúi vừa xách tay thêm 20kg thì tăng tới 200kg lực.
Ở tư thế ngồi không tựa thì trọng tải đĩa đệm có áp lực lớn hơn khi ở tư thế đứng 140kg lực.
Khi ngồi áp lực trọng tải càng giảm nếu độ nghiêng của tựa lưng càng lớn. Ở tư thế ngồi thoải mái áp lực nội đĩa đệm ở dưới 80kg (Nachemson 1974)
Khi ho, rặn,cười áp lực trong các đĩa đệm vùng thắt lưng lên đến 50kg lực.
Vì vậy, khi xảy ra một tổn thương ở đĩa đệm thì việc nằm nghỉ là tiên quyết và bắt buộc.
II.Chẩn đoán mức độ và giai đoạn của TVĐĐ.
Hiện nay trên thế giới, tùy theo từng trường phái, từng tác giả, đã có nhiều cách đánh giá khác nhau và phân chia các giai đoạn khác nhau của TVĐĐ…Theo tôi cách phân loại theo giai đoạn tiến triển bệnh lý đĩa đệm của Arseni và cộng sự(1974) là hợp lý và dễ áp dụng:
Giai đoạn I:Giai đoạn đầu của thoái hóa đĩa đệm. Biểu hiện sự biến dạng của nhân nhầy, bắt đầu xuất hiện một vài chỗ đứt rách nhỏ ở phía sau của vòng sợi và nhân nhầy ấn lõm vào chỗ khuyết này. Hình ảnh này chỉ thấy trên phim chụp đĩa đệm, còn trên phim thường và lâm sàng chưa thấy có biểu hiện.
Giai đoạn II: (Lồi đĩa đệm) Nhân nhày lồi vể một phía của vòng sợi bị suy yếu. có nhiều chỗ rạn, rách vòng sợi rõ rệt hơn nhưng chưa xâm phạm hết chiều dầy của vòng sợi, bắt đầu giảm chiều cao khoang gian đốt. Do nhân nhầy đè ép vào vòng sợi đã bị suy yếu nên đĩa đệm bị phình ra nhất là ở phía sau. Hình ảnh chụp đĩa đệm đã có những dấu hiệu tổn thương khá phong phú. Về lâm sàng có thể là thời kỳ đau thắt lưng cục bộ, hãn hữu lồi đĩa đệm có thể gây kích thích rễ thần kinh.
Giai đoạn III:( Thoát vị đĩa đệm) Đứt rách hoàn toàn các lớp của vòng sợi, tổ chức nhầy cùng với tổ chức khác của đĩa đệm thoát ra khởi khoang gian đốt sống, hình thành thoát vị đĩa đệm. Giai đoạn này chụp đĩa đệm cho thấy thoát vị nhân nhầy đã hoặc chưa gây đứt dây chằng dọc sau. Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng lâm sàng của hội chứng rễ thần kinh xuất hiện và có thể chia ra 3 mức độ:
Kích thích rễ.
Chèn ép rễ, còn một phần dẫn truyền thần kinh.
Mất dẫn truyền thần kinh.
Giai đoạn IV:( Hư đĩa đệm – Khớp đốt sống – Discarthrose) Nhân nhầy bị biến dạng, xơ hóa, vòng sợi bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều phía. Giảm rõ chiều cao khoang đốt sống dẫn đến hẹp ống sống thứ phát và hư khớp đốt sống, giữa các mấu khớp,mọc gai xương ở bờ viền của các thân đốt sống. Lâm sàng thường là đau thắt lưng mạn tính tái phát, có thể có hội chứng rễ nặng do chèn ép trong trong lỗ tiếp hợp đã bị hẹp bởi các biến đổi thứ phát của cấu trúc xương.
Trong lâm sàng, bệnh lý đĩa đệm có thể không tiến triển tuần tự qua từng giai đoạn đã nêu trên, mà có thể có những bước tiến triển đột biến do những yếu tố bên trong hoặc bên ngoài gây ra, nhất là yếu tố chấn thương và tải trọng không cân đối quá mức. Có thể gặp thoái hóa đĩa đệm nặng gây khóa cứng đốt sống nên không có thoát vị đĩa đệm.
THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG ( Intenet.)
III.Điều trị Thoát vị đĩa đệm.
Trên 90% tổng số bn đau thắt lưng hông(thần kinh tọa) do thoát vị đĩa đệm được điều trị nội Khoa, có khoảng 5 -10% số bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật…
1.Chế độ vận động:
Trong thời kỳ cấp tính của bệnh,chế độ nằm nghỉ tại giường là nguyên tắc quan trọng đầu tiên của điều trị nội Khoa.Tư thế nằm ngửa trên ván cứng có đệm ở vùng khoeo chân làm co nhẹ khớp gối và khớp háng làm cho áp lực nội đĩa đệm giảm thấp cũng đã có tác dụng điều trị tốt. Cũng có thể cho bệnh nhân nằm ở tư thế nào đỡ đau nhất.Thời gian nằm nghỉ tại giường là 5-7 ngày. Có khi nằm nghỉ kéo dài đến hai tuần hoặc dài hơn…
Một đĩa đệm đang ở trạng thái thật căng phồng sau khi đã chịu đựng trọng tải mà được chuyển sang tư thế nằm ngang một thời gian dài sẽ mất chiều cao rõ ràng hơn là ở trạng thái chèn bị chèn ép. Trái lại, một đĩa đệm đã bị đã bị mất nước do chèn ép sẽ căng phồng nhanh hơn là một đĩa đệm đã hoàn toàn bị hút cạn…
Về mặt tâm lý: Cần giải thích rõ cho bệnh nhân về mục đích và yêu cầu của phương pháp nằm bất động để bệnh nhân yên tâm và tự giác thực hiện. Chế độ bất động một cách kiên quyết và kịp thời sẽ tránh làm cho thoát vị đĩa đệm nặng hơn,làm giảm kích thước của Thoát vị đĩa đệm vàtạo điều kiện cho sự tái tạo tổ chức.Từ đó các thoát vị mới và nhỏ có thể trở lại vị trí ban đầu.
2.Điều trị
Trên cơ sở nằm bất động mới tiến hành các phương pháp điều trị nội Khoa khác như: Chườm nóng,kéo giãn nhẹ,xoa bóp, bấm huyệt,tác động cột sống, châm cứu, vật lý trị liệu. Dùng thuốc: Y học cổ truyền, giảm đau,chống viêm,giãn cơ, vitamin nhóm B,..Tùy trường hợp mà lựa chọn phương pháp phù hợp.
3.Dự Phòng quan trọng.
Tuần thứ hai, thứ ba trở đi có thể vận động nhẹ nhàng và tập một số động tác nhẹ ở tư thế nằm do thấy thuốc hướng dẫn. Chế độ tập cần tuân thủ nguyên tắc:
Tránh các tư thế và động tác làm xuất hiện áp lực tải trọng cao,đột ngột hoặc không cân đối.
Tránh các lực đẩy và xén cắt do vận động cột sống thắt lưng quá mức và trái chiều. Không được cúi gấp thân để nâng vật nặng, tránh mang, xách không cân đối một bên lệch người…Nên “xuống tấn” dùng lực của cơ đùi. Giữ tư thế cột sống thẳng trong mọi tình huống vận động.
Không ngồi, nằm dưới sàn nhà.Bởi khi ngồi dậy cần sự gắng sức và độ vươn của cột sống.
Khi ngủ dậy phải tuân thủ tư thế nghiêng người, thả hai chân xuống sàn, ngồi dậy. Không nên bật dậy theo tư thế thẳng người.
Ho, hắt hơi ở tư thế ngồi, gội đầu ở tư thế nằm trong giai đoạn điều trị.
Hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, một tư thế ko đổi, gò bó, không đi bộ, chạy bộ, chơi thể thao trong thời gian điều trị cũng như sau thời gian điều trị từ 3 đến 6 tháng.
Nên kết hợp kéo giãn cột sống bằng phương pháp treo xà đơn, bơi theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Sau khi điều trị ổn định, thời gian để trở lại sinh hoạt bình thườnglà từ 3-6 tháng.
Tổng hợp: BS. Lương Bắc.
*Tài liệu tham khảo: – Đau thắt lưng – Gs.Vũ Quang Bích
Bệnh học thần kinh – PGS. Hồ Hữu Lương
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Một số kiến thức cơ bản về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng”