Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh phát triển, trong đó Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Phun hóa chất diệt muỗi – biện pháp hiệu quả để phòng bệnh Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Vật chủ truyền bệnh là muỗi vằn, nó truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Trước đây, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em; nhưng hiện tại, từ người già đến trẻ nhỏ, từ thành thị đến nông thôn, ai, ở đâu cũng có thể mắc bệnh, tái lại ở một người nhiều lần và tỷ lệ tử vong khá cao.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết? Sốt xuất huyết do một loại virus có thể lây lan qua muỗi đốt. Có bốn loại virus sốt xuất huyết, được gọi là virus DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Loài muỗi truyền bệnh có tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus. Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Virus sốt xuất huyết sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Khi bị muỗi đốt, virus sẽ tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu bị muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi. Một khi cơ thể đã phục hồi, cơ thể sẽ có miễn dịch chống lại bệnh, tuy nhiên cơ thể chỉ có thể kháng lại loại virus đã gây ra bệnh thôi. Trong khi đó lại có 4 chủng virus khác nhau, có nghĩa là cơ thể vẫn có khả năng bị nhiễm lại bởi loại khác. Điều quan trọng là phải xác định các dấu hiệu của bệnh và đi điều trị kịp thời.
Một số triệu chứng khi mắc bệnh sốt xuất huyết? Có ba mức độ của bệnh sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết thể nhẹ: thể này thường hay gặp gồm sốt cao lên đến 400C; nhức đầu nghiêm trọng; buồn nôn và nôn; đau phía sau mắt, đau nhức cơ, khớp, phát ban …; Sốt xuất huyết thể chảy máu: gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím, nặng có thể dẫn đến tử vong; Sốt xuất huyết dengue: đây là thể bị nặng, bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc, không xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bảo vệ bản thân và cộng đồng trước mùa sốt xuất huyết:
– Phá môi trường sinh sống của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy: vòng đời của muỗi là muỗi cái đẻ trứng, trứng muỗi nở sau từ 2-3 ngày, trở thành bọ gậy (lăng quăng). Bọ gậy phát triển thành muỗi vằn. Muỗi vằn thường sống trong nhà, trú ẩn ở những nơi tối, ẩm thấp. Đặc tính của muỗi vằn là muỗi cái đẻ trứng nơi có nước đọng như: dụng cụ chứa nước của gia đình (chum, vại, bể nước, lốp ô tô, …); trong những mảnh bát vỡ có nước đọng, chai lọ, cống rãnh và tất cả những chỗ có nước khác …; Phát quang bụi rậm, cỏ dại, khơi thông cống rãnh.
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng. Đối với các dụng cụ có nhiệm vụ chứa nước trong thời gian lâu, nên thả cá nhỏ vào để diệt lăng quăng/bọ gậy.
– Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên như bình cắm hoa, lu nước mưa, chum vại. Muỗi thường đẻ trứng ở mép nước nên quá trình vệ sinh cần cọ rửa kỹ những chỗ này. Lật úp các dụng cụ chứa nước đọng. Một số dụng cụ chứa nước khó thường xuyên vệ sinh như bát nước kê chạn …, có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng.
– Lấp đầy các ổ voi, ổ gà quanh nhà để tránh đọng nước khi trời mưa.
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, sắp xếp đồ đạc gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi. Đồng thời thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà.
– Tránh bị muỗi đốt: Cách đơn giản mà hiệu quả nhất là mặc quần áo dài tay và nằm ngủ trong màn ngay cả khi ngủ ngày. Có thể dùng thêm các thiết bị phụ trợ như xịt thuốc diệt muỗi, vợt điện, máy đuổi muỗi để hạn chế khả năng bị muỗi đốt.
– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
– Nâng cao thể trạng: Các biện pháp phòng tránh giúp mỗi người giảm thiểu nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Cơ thể khỏe mạnh với hệ miễn dịch tốt sẽ giúp con người nhanh chóng chiến thắng được bệnh tật, sớm hồi phục sức khỏe. Bởi vậy, mỗi người cần tự chăm lo sức khỏe thể chất bằng cách ăn đủ chất, sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, thể dục đều đặn.
Lạng Sơn, công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết được thường xuyên giám sát chặt chẽ từ tuyến tỉnh – huyện – xã và đến tận thôn bản. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh không phát hiện trường hợp mắc sốt xuât huyết Dengue (giảm 02 ca so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch là có vì các phương tiên giao thông vận chuyển hàng hóa từ vùng có dịch (các tỉnh miền nam) đi qua Lạng Sơn rất nhiều. Do vậy, không được lơ là, chủ quan, cần tăng cường và duy trì công tác giám sát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng của tỉnh.
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch sốt xuất huyết”